Cách phòng trị bệnh Ký Sinh Trùng trên cá trong mùa mưa

Vào mùa mưa thời tiết thường thay đổi đột ngột, nắng mưa xen kẻ, nhiều dạng vật chất theo nước mưa tràn xuống ao đìa. Sự việc này góp phần làm thay đổi đột ngột tính chất lý hóa của nước, đặc biệt là độ pH của nước sẽ thay đổi nhanh chống. Khi môi trường sống (nước) thay đổi đột ngột dễ làm cho cá bị sốc, các tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển và gây hại nặng cho các đối tượng thủy sản nuôi đặc biệt là 2 đối tượng tôm và cá. Sau đây là một số loài ký sinh trùng thường phát triển mạnh và gây bệnh cho cá vào mùa mưa và khi thời tiết lạnh.

I. Một số bệnh thường gặp
1. Bệnh trùng quả dưa
a) Tác nhân gây bệnh: Do loài Ichthyophthyrius multifiliis gây nên, trùng trưởng thành có dạng rất giống quả dưa, toàn thân có nhiều lông tơ (tiên mao) ngắn, giữa thân có một nhân lớn hình móng ngựa. Ơ mặt bụng, phần phía trước cơ thể có miệng hình xoắn ốc, là nơi trùng bám vào cơ thể cá để hút chất dinh dưỡng.Trùng mềm mại có thể biến dạng khi vận động, đường kính cơ thể thay đổi từ 0,5 – 1,0 mm, trong nước ấu trùng bơi lội nhanh hơn trùng trưởng thành. Chu kỳ đời sống gồm 2 giai đoạn: dinh dưỡng và bào nang:

– Giai đoạn dinh dưỡng: Khi ấu trùng ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng của cơ thể cá để sinh trưởng, đồng thời kích thích cơ thể cá hình thành đốm mủ có màu trắng bao quanh vị trí bám nên bệnh này còn gọi là bệnh đốm trắng. Khi đã trưởng thành chúng sẽ chui ra khỏi đốm mủ trắng đó và chuyển sang giai đoạn bào nang (sinh sản).

benh trung mat troi

– Giai đoạn bào nang: Trùng trưởng thành rời khỏi cơ thể ký chủ và bơi lội tự do trong nước một thời gian. Sau đó chúng di chuyển vào khu vực ven bờ hoặc tựa cơ thể vào các loại cây cỏ thủy sinh và tiết ra chất keo tạo thành nang bao bọc cơ thể. Ơ trong nang, trùng tiến hành quá trình sinh sản bằng cách phân đôi. Mỗi nang như vậy chứa từ 1.000 – 2.000 ấu trùng có đường kính cơ thể từ 18-22µm. Các ấu trùng sẽ tiết ra một chất men để phá hủy bào nang và chui ra ngoài môi trường nước. Chúng sẽ bơi lội tư do để tìm ký chủ mới. Chúng phải tìm được ký chủ mới trong vòng 48 giờ, nếu không chúng sẽ chết.

b) Triệu chứng:
– Vị trí bệnh xuất hiện bệnh chủ yếu trên da, mang, đầu và các vây. Các vị trí bị trùng bám sẽ hình thành các đốm lấm tấm màu trắng đục, có kích thước nhỏ, mắt thường có thể nhìn thấy. Cơ thể cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.

– Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ, yếu ớt, vì suy giảm chức năng hô hấp do trùng bám nhiều ở mang đã phá hủy lớp tế bào biểu mô mang.

– Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có nhiều cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở nên phải thở gấp. Khi cá quá yếu chúng chỉ còn có khả năng ngoi đầu lên khỏi mặt nước để thở, đuôi bất động, sau đó chúng sẽ chìm dần xuống đáy chết.

2. Bệnh trùng bánh xe
a) Tác nhân gây bệnh: Do nhiều loài trùng bánh xe thuộc giống Trichodina, Tripartiella, Trichodinella ký sinh chủ yếu ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài. Trùng có thể sống tự do trong nước được 1 – 1,5 ngày, sau khi rời khỏi cơ thể cá. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh lây lan từ cá thể này qua cá thể khác.

b) Triệu chứng:
– Cá có màu sắc nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục, da cá chuyển màu xám, đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.

– Cá nổi đầu từng đàn trên mặt nước, một số cá tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng, trùng ký sinh ở mang phá hủy các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội lung tung không định hướng, cuối cùng cá lật bụng mấy vòng chìm xuống đáy ao và chết. Bệnh thường xuất hiện và phát triển sau vài ngày trời u ám không có nắng, nhiệt độ xuống thấp đặc biệt vào mùa mưa.

3. Bệnh trùng mỏ neo
a) Tác nhân gây bệnh: Do trùng có tên Lernaea gây ra. Trùng có dạng giống mỏ neo, cơ thể dài khoảng 8 – 16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá. Trùng thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt, … trên các loài cá, bệnh thường gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương.

ky sinh trung trung mo neo

b) Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh kém ăn, gầy yếu, chung quanh các chỗ trùng bám viêm và xuất huyết. Nơi trùng mỏ neo bám là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

4. Bệnh rận cá
a) Tác nhân gây bệnh: Do các loài thuộc giống ArgulusAlitropus màu trắng ngà gây ra, ngoại hình rận có hình dạng giống con rệp, nên còn gọi là rận cá hoặc bọ cá. Rận cá có chiều dài cơ thể khoảng 4 – 8mm, mắt thường có thể nhận thấy được.

b) Triệu chứng:
– Trùng ký sinh bám trên da, vây, mang cá, chúng hút máu cá, đồng thời da bị hoại tử, làm viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập. Vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét dẫn đến làm cá chết hàng loạt.

– Mặc khác chúng còn dùng tuyến độc qua ống miệng tiết chất độc phá hoại ký chủ làm cá có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.

II. Cách phòng và điều trị bệnh
a) Cách phòng bệnh:
– Vệ sinh ao, đìa sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi: dọn sạch cỏ; vét bùn đáy ao; lắp hết các lỗ mọi hang hóc xung quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.

– Chọn loài cá nuôi phù hợp, con giống tốt, không mang mầm bệnh, cá tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, trầy sướt…

– Không thả cá với mật độ quá dầy, thường xuyên bổ sung thuốc bổ, dinh dưỡng cho cá bằng các sản phẩm Vitamin C Antistress, Figrow for fish, Prozyme for fish, Vimevit No 9.100…

b) Cách điều trị bệnh: Có nhiều loại hóa chất có thể dùng để chữa trị các bệnh vừa kể trên:
– Tắm cá: Dùng muối ăn (NaCl) với nồng độ 2-3% tắm cho cá 5 – 10 phút hoặc CuSO4 (phèn xanh) với nồng độ 3 – 5 ppm (3 – 5g/m3 nước) tắm cho cá 5 – 10 phút, cũng có thể dùng thuốc tím 10 – 25g/m3 tắm trong một giờ.

– Phun thuốc trực tiếp xuống ao: dùng CuSO4 với nồng độ 0,5 – 0,7ppm (0,5 – 0,7g/m3 nước), hoặc một số hoạt chất sau:
+ Dùng lá xoan (cây sầu đâu tây) liều lượng 0,3 – 0,5kg/m3 nước.
+ Dùng SEAWEED: 2 – 2,5 lít/1.000 m3 nước, mỗi tuần xử lý một lần, trong 2 tuần.
+ Dùng Fresh water :100g/100m3 nước.
+ Trộn Vime-Clean Cá vào thức ăn liên tục 3 – 5 ngày với liều 1kg thuốc dùng cho 3 – 4 tấn cá hoặc 1kg thuốc trộn với 200 – 300 kg thức ăn.

– Thường xuyên bổ sung vitamin, khoáng, premix để tăng cường sức đề kháng cho cá.

– Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị khác trên thị trường theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất để điều trị.

Cách phòng trị bệnh ký sinh trùng trên cá trong mùa mưa, Nguồn: Cantho.gov.vn (Ngọc Bích).

BÌNH LUẬN

Làm ơn để lại binh luận của bạn
Để lại tên của bạn tại đây