Làm gì để giữ thị trường gạo cao cấp

Làm gì để giữ thị trường gạo cao cấp, Nguồn: Báo Dân trí.

Điều đáng nói là hạt gạo VN có chất lượng không thua kém gạo một số nước trong khu vực, nhưng vẫn chưa tăng được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Úc, Châu Âu, Nhật Bản… Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), thống kê của tất cả hệ thống kiểm dịch thực vật trên toàn quốc, đặt biệt là tại vùng 1, vùng 2 TPHCM cho thấy, cả nước có 29 lô gạo bị phía Mỹ trả về, nhưng trong đó chỉ có 6 lô bị trả về với lý do có dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa xây dựng các mức dư lượng tối đa cho phép, nên chỉ cần phát hiện có hoạt chất BVTV là họ đã trả về (mặc dù cũng hoạt chất này, VN cho phép sử dụng -PV). Những lô còn lại bị trả về là do sai quy cách đóng gói, hoặc do vi phạm hợp đồng của các doanh nghiệp chứ không phải cả 29 lô bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV”.

– Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch VFA nhiều lần khẳng định: Để cạnh tranh được với gạo các nước, VN cần không ngừng nâng cao chất lượng gạo, trong đó đặc biệt lưu ý đến an toàn thực phẩm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, khu vực ĐBSCL liên tục mưa lớn khiến năng suất, chất lượng gạo có phần giảm sút. Để mở rộng thị trường, cần “thắng” ở các điểm: Chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành cạnh tranh. Nếu giải quyết được các “điểm huyệt” này, gạo Việt Nam sẽ vào được các thị trường khó tính.

– Bàn về giải pháp phát triển, ông Hoàng Trung – khẳng định: “Mới đây, đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã sang Mỹ, nêu vấn đề kiểm tra dư lượng thuốc BVTV cho phép trên gạo, yêu cầu phía Mỹ giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng các mức dư lượng thuốc BVTV và một số hóa chất chính mà chúng ta đang sử dụng trên gạo. Cục BVTV cũng đang phối hợp với các cơ quan của Mỹ để thực hiện trong thời gian tới. Với sự hỗ trợ của Mỹ, chúng ta có thể hợp tác xây dựng danh mục hóa chất BVTV mà phía Mỹ chưa có. Ngoài ra, Cục BVTV cũng đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu người dân không sử dụng các hóa chất BVTV mà phía Mỹ chưa có trong danh mục, tránh tình trạng hàng xuất sang bị trả về”.

– Theo đánh giá của các chuyên gia lúa gạo, để “gỡ khó” cho xuất khẩu gạo, cần phải tái cơ cấu ngành này theo hướng tập trung vào các loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo; đẩy mạnh triển khai đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với hàng loạt giải pháp như: Thiết kế logo cho thương hiệu gạo, lựa chọn các giống gạo có chất lượng tốt… Trước mắt, Bộ NNPTNT chi gần 7.000 tỉ đồng trong 5 năm tới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu và cổ phần hóa các DN Nhà nước, trọng tâm là TCty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), TCty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2)… ; khuyến khích các DN tư nhân đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay…; xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua lúa gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

– Trong tuần qua, Bộ NNPTNT cũng đã ký kết chương trình phối hợp với các bộ Công Thương, KHCN, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường; phối hợp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, tạo thị trường xuất khẩu gạo an toàn, bền vững…

BÌNH LUẬN

Làm ơn để lại binh luận của bạn
Để lại tên của bạn tại đây