Cảnh sát biển Việt Nam và VASEP ký bản hợp tác đảm bảo chống lại khai thác IUU

Cảnh sát biển Việt Nam và VASEP ký bản hợp tác đảm bảo chống lại khai thác IUU, Nguồn: Tạ Hà – Vasep.com.vn.

(VASEP) Sáng ngày 24/10/2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm đảm bảo trong việc cam kết chống lại khai thác IUU, đồng thời thể hiện quyết tâm cùng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng nghề cá Việt Nam bền vững và quản lý hiệu quả.

– Hai bên thống nhất cùng trao đổi và phối hợp thực hiện theo Chương trình hành động Quốc gia chống khai thác IUU của Chính phủ và đảm bảo các chương trình, cam kết hoặc kế hoạch của mỗi bên liên quan đến IUU được hỗ trợ, phối hợp để có kết quả tốt nhất. Trung tướng Hoàng Văn Đồng – Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ trì hội nghị.

– Cảnh sát biển Việt Nam và VASEP sẽ hợp tác 3 nội dung về: (1) Hỗ trợ, trao đổi thông tin; (2) Tuyên truyền, đấu tranh chống khai thác bất hợp pháp; (3) Hoạt động hợp tác khác.

– Về việc hỗ trợ, trao đổi thông tin:
+ Hai bên trao đổi thông tin về tình hình tàu khai thác IUU của Việt Nam và nước ngoài hoặc các cơ sở thu mua, doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu khai thác IUU.
+ Tham vấn cho nhau về các chương trình liên quan đến chống khai thác IUU.
+ Hai bên xem xét kết nối website của nhau trên cơ sở định vị website của bên này trên homepage của website bên kia và ngược lại.

– Tuyên truyền, đấu tranh chống khai thác bất hợp pháp
+ Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các tàu khai thác IUU; chủ động trao đổi, phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển các nước có liên quan phối hợp biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn và đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam.
+ Hai bên phối hợp tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông và các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức nghề cá, ngư dân; tuyên truyền để các doanh nghiệp hải sản tham gia Chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU không thu mua nguyên liệu, sản xuất từ nguyên liệu hải sản của các tàu khai thác IUU.
+ VASEP hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam điều tra, xác minh các vụ việc vi phạm, khai thác hải sản bất hợp pháp.
+ Tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.
+ Hai bên thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngư dân trong triển khai Chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU của Chính phủ; thực hiện các hoạt động khác nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp, giữ gìn nguồn lợi thủy sản trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bên.

– Hoạt động hợp tác khác
+ Hai bên xem xét kết hợp với Bộ NN&PTNT và Cơ quan quản lý thủy sản địa phương thiết lập và vận hành trung tâm dữ liệu nghề cá phục vụ truy xuất nguồn gốc IUU.
+ Tại hội nghị ký kết bản ghi nhớ hợp tác, đại diện VASEP cho biết, việc nhận thẻ vàng của EU có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9 – 2,2 tỷ USD, EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm. Đối với XK hải sản của một quốc gia, có thể xảy ra ít nhất 5 hệ lụy nếu như bị nhận thẻ vàng của EU.
+ XK hải sản sang EU sẽ giảm do khi một nước bị nhận thẻ vàng, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng (không hợp tác).
+ Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó.
+ Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng, ví dụ như Mỹ nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản NK nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1/1/2018.
Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản XK từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/Container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các cont hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất nặng nề. Trường hợp như Philipine, có đến 70% số container bị từ chối trả lại. Tổn thất cho việc XK hải sang sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.
+ Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm XK các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.
+ Đại tá Trần Văn Nam – Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng không giảm gây khó khăn cho công tác quản lý, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác, XNK hải sản hợp pháp của các DN trong nước. Theo số liệu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2015 đến nay có trên 1.500 tàu cá và trên 7.300 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ.
+ Từ 15-19/5/2017, Đoàn Công tác của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định của EU về IUU. Kết thúc đợt đánh giá, Đoàn DG-MARE đã đưa ra 5 khuyến nghị để Việt Nam cần giải quyết trước ngày 30/9/2017, nếu không Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị nhận thẻ vàng của EU.
+ Trước các thông tin về khả năng Việt Nam có thể bị nhận thẻ vàng của EU về IUU, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, VASEP đã triển khai nhiều hoạt động để kịp tuân thủ các yêu cầu của đoàn DG-MARE, trong đó có việc Bộ NNPTNT đẩy mạnh việc sửa đổi Luật Thủy sản, tập trung hướng tới việc kiểm soát các “Tàu xanh” và ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp như ngăn ngừa việc sử dụng thuốc nổ hủy diệt nguồn lợi biển, sử dụng ngư cụ bị cấm, khai thác các loài hải sản quý hiếm, đồng thời tăng cường các cơ chế kiểm tra hoạt động cập cảng của tàu cá nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những hoạt động không thể thiếu được sự tham gia của Cảnh sát biển Việt Nam.
+ Và ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây đang là nỗi lo lắng và quan ngại của cả Nhà nước và DN XK hải sản Việt Nam.
+ Trên cơ sở nhu cầu và vai trò của các bên trong việc chống lại IUU, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam (CSB) là lực lượng quân sự chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam và VASEP thống nhất hợp tác trên các lĩnh vực chống khai thác IUU. Động thái tích cực này đang thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ và các DN Việt Nam trong việc đảm bảo tuân thủ quy định IUU.

BÌNH LUẬN

Làm ơn để lại binh luận của bạn
Để lại tên của bạn tại đây