Xác định các giai đoạn phát triển của buồng trứng theo thang bậc thành thục sinh dục theo Kixelevits được trích dẫn bởi Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm (2009), với 6 giai đoạn.
1. Giai đoạn I
– Xuất hiện ở cá thể còn non của giai đoạn tiền trưởng thành (chỉ gặp ở cá thể chưa thành thục lần nào). Noãn sào ở dạng sợi nhỏ, màu trắng nằm sát sống lưng và trên bóng hơi. Ở giai đoạn này không thể phân biệt được cá đực và cá cái bằng mắt thường.
– Trên lát cắt mô học của buồng trứng ở giai đoạn này, trứng sắp sếp không có qui tắc, đường kính trứng từ 10 – 80 µm (tùy từng loài cá). Thể tích nhân tế bào lớn, chiếm phần lớn tế bào, xấp xỉ ½ thể tích của tế bào, mô liên kết và mạch máu không phát triển. Giai đoạn này chủ yếu chứa tế bào trứng ở phase 1 và chỉ trải qua một lần trong suốt chu kỳ sống của cá.
2. Giai đoạn II
Noãn sào dẹp hơi bằng, màu xám nhạt hoặc trắng hồng nhạt, số lượng mạch máu tăng làm cho buồng trứng có màu hồng nhạt. Với cá thể sinh sản lần đầu tiên ở giai đoạn II thì mạch máu và mô liên kết không phát triển nhưng có thấy mạch máu lớn ở đầu buồng trứng, mắt thường không thể nhìn thấy tế bào trứng riêng biệt, nhìn bằng kính lúp hoặc kính hiển vi mới nhìn thấy được đường kính tế bào trứng từ 90 – 200µm. Đối với các cá thể đã sinh sản một lần trở lên trong buồng trứng có thể còn bắt gặp một số ít trứng ở phase 3, mô liên kết và mạch máu lúc này rất phát triển. Trong ao nuôi nếu không có điều kiện môi trường thích hợp hoặc ở những cá thể có tuổi thành thục cao trong thời kỳ cá non thì tuyến sinh dục có thể dừng lại ở giai đoạn này trong thời gian dài. Buồng trứng ở giai đoạn II chủ yếu chứa tế bào trứng ở phase 2. Buồng trứng ở giai đoạn II cũng có thể do sự chuyển tiếp từ giai đoạn VI (sau khi cá đẻ).
3. Giai đoạn III
Buồng trứng tăng nhanh thể tích, có màu xanh làm nền. Màu xanh nâu, xanh vàng hoặc màu xanh sẫm là tùy thuộc từng loài cá (đa số cá nuôi ở ĐBSCL có màu xanh hơi vàng), mạch máu và mô liên kết rất phát triển. Tế bào trứng có thể được nhìn thấy bằng mắt thường nhưng rất khó tách rời từng trứng riêng biệt do chúng liên kết với nhau rất chặt chẽ. Ở cá mè trắng, đường kính trứng đạt tới 500µm, tế bào trứng bắt đầu tích lũy noãn hoàng. Buồng trứng có thể dừng lại ở giai đoạn này 1 – 2 tháng tùy điều kiện nhiệt độ. Giai đoạn III chủ yếu chứa tế bào trứng ở phase 3.
4. Giai đoạn IV
– Mạch máu kém phát triển hơn giai đoạn III, buồng trứng đạt kích thước lớn nhất ở nhiều loài cá chiếm 2/3 xoang bụng, hệ số thành thục cao. Buồng trứng của nhiều loài cá có màu vàng làm nền (vàng nhạt hoặc vàng xanh đậm), màng buồng trứng có tính đàn hồi, trong buồng trứng chứa đầy trứng, rất dễ tách rời từng trứng. Giai đoạn này tùy theo cá đẻ một lần hay nhiều lần trong năm mà có các đặc điểm khác nhau. Buồng trứng giai đoạn IV chiếm hầu hết thể tích xoang bụng, cá có hệ số thành thục (tỷ lệ phần trăm giữa khối lượng buồng trứng với khối lượng cá) cao nhất.
– Giai đoạn IV của cá đẻ một lần trong năm bao gồm những trứng thành thục đã tích lũy đầy đủ noãn hoàng và có cùng một dạng hình (phase 4). Ở cá đẻ nhiều lần trong năm bao gồm hầu hết những trứng phase 4 ngoài ra còn bắt gặp những trứng chưa tích lũy noãn hoàng đầy đủ (ở phase 3 hoặc quá độ từ phase 3 đến phase 4) và những trứng ở phase 2.
– Căn cứ vào mức độ tích lũy noãn hoàng và vị trí nhân trong tế bào trứng mà người ta phân chia giai đoạn IV làm các giai đoạn phụ là: Giai đoạn IVa, giai đoạn IVb, giai đoạn IVc. Trong sinh sản nhân tạo, buồng trứng phát triển đến giai đoạn IVb hoặc IVc mà cho cá đẻ bằng tiêm hormone thì thu được kết quả cao. Ở giai đoạn IVa mà cá được tiêm hormone sinh dục thì khả năng sinh sản rất thấp. Trong trường hợp này có thể thành công khi sử dụng phương pháp tiêm cho cá nhiều lần hoặc kéo dài thời gian và cường độ khi cá được kích thích sinh sản bằng các tác nhân sinh thái.
5. Giai đoạn V
Khi trứng đã rụng, thì buồng trứng ở giai đoạn V bề mặt buồng trứng có hiện tượng xung huyết (căng phồng), buồng trứng rất mềm, vuốt nhẹ bụng cá, trứng có thể chảy ra thành dòng, trong thời gian cá đang sinh sản thì buồng trứng cũng thuộc giai đoạn V. Đối với những cá đẻ nhiều lần trong năm, ngoài những trứng đã rụng, trong buồng trứng còn nhiều tế bào trứng ở thời kỳ sinh trưởng nhỏ và sinh trưởng lớn (phase 2 và phase 3) giành cho những đợt sinh sản sau. Giai đoạn này buồng trứng chứa tế bào trứng ở phase 5.
6. Giai đoạn VI
Buồng trứng cá sau khi đã sinh sản, ở giai đoạn VI. Màng buồng trứng dầy lên, mạch máu xung huyết có màu đỏ tím. Trong buồng trứng còn sót lại tế bào trứng ở phase 5 (chúng sẽ bị hấp thu nhanh chóng), có nhiều màng follicule rỗng và có nhiều thể vàng. Sau khi sinh sản, buồng trứng trở lại giai đoạn II (đối với cá đẻ một lần trong năm) hoặc giai đoạn III (đối với cá đẻ nhiều lần trong năm).
Các giai đoạn phát triển của tế bào trứng ở cá, Nguồn: Kixelevits.