Đánh giá nguyên nhân và tác động của việc nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Việt Nam

Đánh giá nguyên nhân và tác động của việc nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Việt Nam, Nguồn: Thế Anh – Fistenet.gov.vn

Ngành tôm là một trong những ngành hàng nuôi trồng thủy sản chủ lực của Việt Nam về cả mức đóng góp cho GDP và tiêu thụ nội địa. Trong vài thập kỷ gần đây, ngành tôm đã có bước phát triển vượt bậc – sản lượng đã đạt trên 630.000 tấn vào năm 2016 – đứng hàng thứ hai trên thế giới.

– Ngày 21/7/2017, tại Bạc Liêu, trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II thực hiện các mô hình nuôi tôm quy mô nông hộ với hai hình thức là mô hình nuôi tôm thẻ bán thâm canh và mô hình tôm – lúa tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá nguyên nhân và tác động của việc nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Việt Nam”.

– Chủ trì Hội thảo có ông Jong Ha Bae, trưởng đại diện của FAO Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, ông Trần Đình Luân và ông Huỳnh Quốc Khởi Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu.

– Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu đến từ Tổng cục Thủy sản, Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Sở NN&PTNT Sóc Trăng cùng các đại biểu đại diện cho các nhà khoa học, viện, trường và người nuôi tôm tại 2 tỉnh.

– Tại Hội thảo, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu và 20 hộ nông dân tham gia dự án đã báo cáo về Mô hình nuôi tôm – lúa tại Sóc Trăng và Bạc Liêu; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và Báo cáo đánh giá chung về kết quả triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm Thẻ chân trắng và Tôm – lúa tại Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tổng kinh phí hỗ trợ từ dự án cho nông dân là hơn 1,4 tỷ đồng thông qua các hoạt động như đầu tư 100% tôm giống, 50% thuốc, thức ăn thủy sản và tập huấn, chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật tận hộ cho nông dân.

– Với sự chỉ đạo hiệu quả của Tổng cục Thủy sản, sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Trung tâm Khuyến nông 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, chính quyền và nhân dân các địa phương đã hình thành các mô hình nuôi tôm thành công trong ao bán thâm canh và trên ruộng lúa trong 2 năm qua đóng góp lớn vào giá trị sản phẩm nông nghiệp.

– Qua Hội thảo các đại biểu đã nắm được những kết quả theo yêu cầu đề ra ban đầu của Dự án như các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật, thu được lợi nhuận khá cao và nông dân cũng từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động hơn trong áp dụng khoa học, kỹ thuật cụ thể: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh đạt năng suất 3,05 tấn/ha/vụ (Bạc Liêu) và 4,15 tấn/ha/vụ (Sóc Trăng); Mô hình tôm – lúa đã đạt năng suất tôm càng xanh là 441kg/ha, lúa đạt 4,50 tấn/ha/vụ và tôm sú đạt 410kg/ha (Bạc Liêu) và năng suất tôm càng xanh là 675kg/ha, lúa đạt 5,84 tấn/ha/vụ và tôm sú đạt 1.115kg/ha (Sóc Trăng), đồng thời đã đánh giá được những khó khăn thực tại của các mô hình nuôi, các biện pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm sản xuất tôm theo hướng bền vững. Cũng trong Hội thảo này, đại diện hộ nuôi đã đề xuất những giải pháp để tiếp tục phát triển như: Mở rộng diện tích và số lượng nông hộ, đồng thời cải thiện kỹ thuật của từng nông hộ để nâng cao hiệu quả từ Dự án.

– Từ kết quả đạt được của Dự án, FAO sẽ làm việc với các Vụ, Viện chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định và trình diễn các phương pháp thực hành nuôi tôm cải tiến trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sinh kế cho nông dân, bảo vệ môi trường, cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam.

– Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cảm ơn FAO Việt Nam đã hỗ trợ Dự án, đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp nên sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất nhỏ lẻ còn rất lớn, vì vậy dự án đánh giá nguyên nhân và tác động của nuôi tôm thất bại và thực hiện mô hình thí điểm nuôi tôm bền vững tại Sóc Trăng và Bạc Liêu là rất phù hợp từ đó đề ra các giải pháp cải tiến cho sản xuất, giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo cùng với các địa phương hoàn thiện mô hình để tuyên truyền, nhân rộng cho người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước áp dụng, làm theo. Các địa phương tiếp tục đưa vào kế hoạch hàng năm để tập huấn, phổ biến triển khai cho người dân góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất của địa phương nói riêng và ngành tôm cả nước nói chung.

BÌNH LUẬN

Làm ơn để lại binh luận của bạn
Để lại tên của bạn tại đây