Nhu cầu dinh dưỡng của cá Thát Lát Còm

Nhu cầu dinh dưỡng (nhu cầu protein) ảnh hưởng đến tất cả các quá trình sinh trưởng của động vật thuỷ sản, đặc biệt là ở giai đoạn ấu trùng và giống. Việc sử dụng và hấp dinh dưỡng tùy loài và tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá cũng như thành phần dinh dưỡng của loại thức ăn được sử dụng. Hàm lượng đạm tối ưu cho động vật thủy sản chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ tối ưu giữa đạm và năng lượng. Nhu cầu chất đạm của động vật thủy sản có khả năng giảm khi mức năng lượng trong thức ăn tăng lên. Ngược lại nếu thức ăn quá giàu năng lượng thì sẽ hạn chế sự tiêu thụ thức ăn của động vật thủy sản vì chúng sẽ ngưng bắt mồi khi thỏa mãn nhu cầu năng lượng.

– Nhu cầu protein là lượng đạm tối thiểu có trong thức ăn nhằm thỏa mãn yêu cầu các acid amin để đạt tăng trưởng tối đa hoặc tối ưu. Tăng trưởng tối ưu thường được áp dụng trong chế biến thức ăn thương mại để cho sinh vật nuôi ăn nhằm đảm bảo tăng trưởng nhưng chi phí thức ăn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). Nhu cầu protein của cá dao động trong khoảng từ 25% đến 55%, trung bình 30%. Nhu cầu protein tối ưu của một loài nào đó phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu làm thức ăn, giai đoạn phát triển của cơ thể và các yếu tố bên ngoài khác. Khi thức ăn thiếu hoặc quá dư protein đều làm cho sinh trưởng của cơ thể giảm. Nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu protein cho cá sẽ dẫn đến cá chậm lớn hoặc ngừng tăng trưởng, thậm chí có thể giảm khối lượng, nhưng nếu lượng protein trong thức ăn vượt quá nhu cầu thì chỉ một phần được sử dụng để tạo protein mới, phần còn lại sẽ được chuyển sang dạng năng lượng, điều này sẽ làm tăng giá thành thức ăn không cần thiết (Trần Thị Thanh Hiền, 2004).

– Goddard (1996) đã khẳng định rằng loài cá ăn động vật có nhu cầu protein cao, khoảng 40 – 50% khối lượng khô của thức ăn và nhu cầu protein thay đổi theo giai đoạn phát triển của cá. Cá nhỏ có nhu cầu protein cho tăng trưởng cao hơn cá lớn. Vì thế, hàm lượng protein trong thức ăn ở giai đoạn có bột, cá giống thường cao hơn thức ăn cho cá giai đoạn nuôi thương phẩm từ 5 – 10%.

– Cá ăn các loại thức ăn có cùng hàm lượng protein nhưng tăng trưởng của cá không hoàn toàn giống nhau do hàm lượng acid amin trong các nguyên liệu chế biến thức ăn khác nhau, đặc biệt là các acid amin thiết yếu. Theo Goddard (1996) khi chế biến thức ăn cho các loài cá có tính ăn động vật, nguyên liệu là bột cá có chất lượng cao thường được sử dụng mới cung cấp đủ các acid amin thiết yếu. Thức ăn có hàm lượng protein cao được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật hay các động vật khác không phải là cá thì cần bổ sung thêm acid amin thiết yếu, đặc biệt là Methionine và Lysine mới đáp ứng nhu cầu acid amin của cá ăn động vật. Stickney (1979) đã chỉ rõ rằng bột cá là nguồn cung cấp acid amin thiết yếu tốt nhất.

ca that lat com giong

– Phạm Hữu Bon (2012) nghiên cứu xác định nhu cầu protein tối ưu ở các mức lipid khác nhau của cá thát lát còm (Chitala chitala) giai đoạn cá giống (2,42 g/con) được thực hiện trong 8 tuần với 12 nghiệm thức thức ăn gồm 4 mức protein (35%, 40%, 45% và 50%) và 3 mức lipid (6%, 9% và 12%). Thức ăn chế biến được ép viên (độ ẩm thấp hơn 11%). Mỗi nghiệm thức được lập lại ba lần. Bể thí nghiệm có thể tích 100 L và thả 30 con cá/bể. Cá được cho 2 lần/ngày và cho ăn thỏa mãn nhu cầu. Thức ăn thừa được vớt ra. Kết quả thí nghiệm cho thấy hàm lượng protein và lipid khác nhau trong thức ăn không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá. Tốc độ tăng trưởng của cá gia tăng theo hàm lượng protein trong thức ăn, tuy nhiên khi hàm lượng thức ăn là 50% protein thì sinh trưởng của cá giảm. Hàm lượng lipid không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá. Tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất ở nghiệm thức 45% protein và 6% lipid và hệ số thức ăn FCR thấp khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức 40% protein và 9% lipid, nhưng khác biệt có ý nghĩa với các nghiệm thức còn lại. Nhu cầu protein và lipid thích hợp cho các thát lát giai đoạn giống là từ 40 – 45% tương ứng với hàm lượng lipid trong thức ăn 9 – 6 %.

– Theo Huỳnh Tấn Đạt (2012) thì hàm lượng lipid trong thức ăn thích hợp cho tăng trưởng của cá cỡ 50 – 100 g/con ở mức 9% và nhu cầu protein thích hợp cho cá thát lát còm giai đoạn này là 35 – 40% và hàm lượng protein cho cá tăng trưởng tối ưu là 38,6%. Nhu cầu protein thích hợp cho cá thát lát còm giai đoạn 200 – 300 g/con là 30 – 35% và hàm lượng protein cho cá tăng trưởng tối ưu là 33,6%.

Nhu cầu dinh dưỡng của cá thát lát còm, Nguồn: Tạp chí Khoa học, Khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ.

* Địa chỉ cung cấp cá thát lát giống:
Trại Giống Thủy Sản, Quốc lộ 91B, Tổ  5, Khu vực 6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ..
Chuyên cung cấp cá Thát Lát Cườm uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý.
Thống tin liên hệ: 0978786767 (anh Tâm).

Xem thông tin chi tiết giá giống.

BÌNH LUẬN

Làm ơn để lại binh luận của bạn
Để lại tên của bạn tại đây